CÂY GIÁ

CÂY GIÁ

@@@ Theo LÝ LAN:

Ngồi ở cái quán xây lấn ra ngoài biển lồng lộng gió thổi, tôi hỏi mấy người chạy bàn cỡ tuổi đôi mươi: “Xứ này kêu là Rạch Giá, nghĩa là sao ?”. Người thì cười, vẻ dung thứ một bà già lẩm cẩm, người nói đại: “Có con rạch, trồng nhiều giá”. Hỏi tiếp: “Con rạch đó ở đâu, cây giá là cây gì?”. Câu trả lời mơ hồ: Rạch Giá đô thị hóa từ mấy trăm năm, khoảng mươi năm nay phát triển không còn nhận ra.

Buổi sáng đi loanh quanh, trò chuyện với dân địa phương, người chỉ phía đông, người chỉ phía tây, người nói giá là giá đậu xanh, người nói không phải, cây giá khác, nhưng hỏi khác như thế nào thì chịu thua.

Tôi kết luận: Những người đó không hề đọc Sơn Nam. Bởi vì trong hồi ký, Sơn Nam viết rõ: “Rạch Giá, xứ quê của tôi là con rạch mà nơi cửa biển mọc nhiều cây giá nguyên sinh”. Cây giá được ông miêu tả “về già, lá đổi ra màu đỏ, tươi mát, chứ không đổi ra lá vàng”, và “cây khá to, lá xanh và lá màu máu chen nhau trên một cành”, “Rễ cây giá không to, cứ chằng chịt quấn vào nhau theo vòng tròn, trông như dưới gốc có mang theo một cái lốp ôtô, sóng đánh mạnh, gió thổi to thì thân cây cứ lúc lắc qua phải qua trái, rễ không ăn chặt vào đất bùn”.

Xem thêm  Cách chăm sóc cây hoa giấy nở hoa rực rỡ đón Tết

Giá, mắm, đước, tràm là những cây tiên phong từ trăm năm, ngàn năm trước, chịu đựng môi trường sống khắc nghiệt, lấn dần biển để hình thành dải đất bồi phương Nam của Tổ quốc

@@@ Theo PHẠM ĐÌNH LÂN:

Cây giá là một loại cây rừng sát như cây bần, cây đước, cây mắm, cây vẹt, v.v. Cây giá được tìm thấy nhiều ở miền duyên hải Ấn Độ, các nước Đông Nam Á, hải đảo Thái bình Dương, nam Trung Hoa, nam Nhật Bản, bắc Úc Đại Lợi. Tên khoa học của cây giá là Excoecaria agallocha thuộc gia đình Euphorbiaceae . Người Mã Lai gọi là cây buta buta . Người Ấn Độ vùng Bengal (bây giờ là Bangladesh) gọi là gewa , Người Anh gọi là milky mangrove (cây đước nhựa sữa) hay rõ hơn là cây blind-your-eye vì cây giá có nhiều nhựa như sữa rất độc, nuốt vào miệng có thể chết và rơi vào mắt làm mù mắt.

Cây giá cao từ 15m đến 20m, lá dầy, láng và xanh tươi. Khi gần rụng, lá chuyển sang màu đỏ. Hoa đực tạo thành chuỗi dài màu vàng. Ở xa trông như những con sâu vàng trên cây. Trái tạo thành ba ô giống như trái cao su nhưng nhỏ. Mỗi ô có một hột. Gỗ cây giá trắng và mềm nên nổi trên mặt nước và chóng mục. Thường thường người ta dùng gỗ để hầm than, đóng thùng, làm diêm quẹt hay làm bột giấy. Nhựa gỗ rất độc vì gây phỏng da khi đụng đến. Người ta dùng nhựa cây giá để thuốc cá. Thổ dân trên đảo New Guinea dùng nó làm tên tẩm thuốc độc.

Xem thêm  Những điều nhất định phải biết khi trồng cỏ trên sân thượng

Nhựa cây giá độc như vậy nhưng nơi có nhiều cây giá là nơi có mật ong ngon. Người Ấn Độ, Tích Lan ( Ceylon hay Scri Lanka) dùng nhựa cây giá đắp vào ung nhọt. Có khi họ giã gừng và rễ cây giá để đắp vào vết sưng trên tay chân. Theo cách chữa trị cổ truyền, người Tích Lan dùng khói của vỏ cây để trị phong hủi.

Từ độc tính của nhựa cây giá các nhà khoa học nghĩ rằng loại thảo mộc nầy phải có dược tính trị liệu đặc biệt của nó. Miền duyên hải Tamil Nadu ở Ấn Độ có nhiều cây giá. Một ngôi đền Ấn Giáo ở Chidabaram thờ cây giá như là thiêng mộc . Như vậy cây giá phải có một giá trị đặc biệt nào đó nên mới được xem là thiêng mộc. Ngày nay các nhà khoa học Nhật, Trung Hoa, Singapore, Mã Lai và Úc Đại Lợi nghiên cứu thấy chất diterpene trong nhựa và pentacyclic triterpenoids và ác xít béo trong cuống và lá cây giá có tác dụng kháng nấm, kháng khuẩn và kháng tế bào ung thư. Từ đó người ta hy vọng có thể dùng cây giá để trị HIV.

Nếu cuộc khảo cứu thành công thì Rạch Giá rất tự hào về tên gọi của mình.. Phong trào trồng cây giá sẽ tiến hành rầm rộ ở rừng U Minh, rừng Sát Long Thành-Bà Rịa-Vũng Tàu và miền duyên hải từ Quảng Yên đến Ninh Bình.

Xem thêm  Ý Nghĩa Đặc Biệt Của Cây Xương Rồng? Cách Chăm Cây Tốt Nhất

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.