Thương về đồng lác

Về thăm quê nội vào một buổi chiều lạnh se sắt, chợt chạnh lòng khi nhớ đến cánh đồng lác thân thương giờ chỉ còn lại trong những hoài niệm lặng thầm. Cây lác ở nhiều nơi còn gọi là cây cói. Dẫu biết rằng nghề trồng lác không còn như trước đây, nhưng trong tôi vẫn luôn đau đáu nỗi nhớ về tuổi thơ êm đềm bên cánh đồng lác gần gũi, chân phương.

Ảnh minh họa: Internet

Qua chỉ bảo của cha mẹ, tôi biết được cây lác là một loại cỏ dại mọc ven đường, trên những thửa ruộng, hay mọc hoang dại ở những bãi đầm. Nhớ lúc nhỏ, vào những ngày trời nắng đẹp, tôi vẫn thường theo chân ông bà và cha mẹ đi chặt lác mang về dệt chiếu. Suốt buổi làm, tôi được nghe bao câu chuyện xưa của ông bà nội. Để dệt nên những đôi chiếu bền đẹp, trước đây ông bà tôi đã chống xuồng đi rất xa, vượt qua nhiều kênh, rạch mới mong tìm được những cây lác hoang dại mọc ven đầm. Hành trình đi tìm lác tốn khá nhiều thời gian, công sức và hiểm nguy nên ông nội quyết định dành hẳn 4 sào ruộng để trồng lác. Cây lác vốn là loài cỏ dại, nên rất dễ trồng, dễ sống và không kén đất. Những cây lác con sau khi được ông nội nhổ về sẽ đem đi cấy thưa trên đất ruộng gần nhà. Khác với lúa, cây lác chỉ trồng một lần thì có thể thu hoạch được nhiều năm.

Xem thêm  Tuổi Sửu trồng cây gì để may mắn và ý nghĩa phong thủy?

Đến ngày thu hoạch, cả cánh đồng lác được bao phủ lên một không khí đầy tất bật và hối hả. Cha và ông nội một tay cầm chiếc phảng to, dài vung lên cao, tay còn lại cầm cù nèo để kéo lác về một phía. Mỗi nhát chặt cần nhiều lực và dứt khoát cho cọng lác đứt ngọt. Còn bà và mẹ, công việc có phần nhẹ nhàng hơn là giũ, thu gom và phân loại lác.

Lác dùng để làm chiếu phải trải qua nhiều công đoạn. Lác sau khi thu hoạch về, mẹ sẽ tề (cắt gọn) gốc, tề ngọn cho đủ kích thước rồi mang chúng ra phơi. Mẹ bảo chỉ phơi sơ qua một nắng thôi, rồi đem vào nhà để chẻ thành sợi. Ngày nhỏ, mỗi lần được ngắm nhìn đôi bàn tay khéo léo của mẹ, của bà tỉ mẩn chẻ từng sợi lác nhỏ mà lòng tôi thích thú đến lạ. Lớn lên tôi nhận ra, nghề trồng lác, dệt chiếu đã lấy đi biết bao giọt mồ hôi và công sức của ông bà, cha mẹ tôi. Không dừng lại ở việc chẻ lác, để làm ra những đôi chiếu đẹp đủ màu sắc, nội tôi còn đem nhuộm lác đã phơi khô với phẩm màu. Nội nấu một nồi nước thật to, khi nước đã sôi thì hòa phẩm màu vào với tỷ lệ phù hợp, cho mớ lác cần nhuộm vào, trở đều rồi vớt ra phơi khô. Lũ trẻ con chúng tôi ngày ấy thích được ngắm nhìn những bó lác với đủ sắc màu xanh, đỏ, vàng, tím… nên hễ lúc cha mẹ không để ý, chúng tôi lén lấy vài cây lác màu đem ra chơi đồ hàng.

Xem thêm  Cây sứ cùi: đặc điểm, tác dụng, ý nghĩa, cách trồng & chăm sóc

Ngày xưa về quê nội, nhìn đâu cũng chỉ thấy một màu xanh tươi từ phía cánh đồng lác. Giờ đây khung cảnh ấy chỉ còn là ảo ảnh bởi đã khá lâu rồi, tôi không còn được ngắm nhìn làn sương vương trên đám lác xanh rì, đã lâu rồi tôi không còn thấy dáng nội ngồi đan lác dệt chiếu trên khung dệt cũ. Nhớ về nội là tôi nhớ những tháng ngày được ngồi cạnh nội bên khung dệt, lặng lẽ ngắm nhìn đôi bàn tay cần mẫn của người. Nội vẫn thường cho tôi ngồi cùng trên khung dệt, rồi bắt chước nội dùng cây dập, dập sợi lác vào cho sát kín với nhau, trong khi đó mẹ tôi ngồi đầu dưới dùng cây chuồi đưa sợi lác nhịp nhàng qua khung. Cứ thế ngày qua ngày, mọi người trong gia đình tôi đã gắn bó cuộc đời mình với cánh đồng lác chân phương, mang đậm hồn quê.

Những lúc dệt chiếu, ông bà nội vẫn hay kể cho tôi nghe về thời xa xưa, kể từ lúc ông cố qua đời, sớm biết hoàn cảnh khó nhọc của gia đình nên chỉ mới hơn 10 tuổi, ông nội đã biết trồng lác, dệt chiếu phụ mẹ nuôi dưỡng các em. Mẹ tôi về làm dâu nhà nội nên cũng học theo nội cách trồng lác, dệt chiếu. Thoạt đầu mẹ có hơi bỡ ngỡ nhưng dần dà quen với cách làm việc cẩn thận của nội nên chiếu mẹ dệt cũng rất đẹp và bền chắc.

Xem thêm  Cây bàng Singapore - Ý nghĩa phong thủy, cách chăm sóc, giá, mua ở đâu

Trải qua bao thăng trầm, ông nội tôi giờ đã là người thiên cổ, gia đình tôi từ lúc chuyển về quê ngoại sinh sống cũng không còn làm nghề trồng lác, dệt chiếu. Về quê ngoại, cha mẹ tôi mưu sinh bằng nhiều nghề khác như nuôi tôm, trồng lúa, nhưng mỗi khi có ai đó nhắc đến nghề dệt chiếu, tôi lại bắt gặp ánh nhìn xa xăm đầy nỗi niềm của cha.

Lang thang trên những chân ruộng nhà nội trong buổi chiều đông mờ ảo sương khói, tôi thầm ước mình vẫn là cô bé hồn nhiên thuở nào, chân trần lội ruộng chạy theo những cánh diều no gió vi vu. Không chỉ là nguồn sống của gia đình tôi qua lúc khó khăn, mất mùa mà cánh đồng lác còn là nơi cất giữ bao khoảnh khắc ngọt ngào khi được sống cùng với ông bà nội kính yêu.

TRẦN THỊ THẮM