Chi phí tổ chức đám cưới các mức 200 triệu – 500 triệu – 1 tỷ (Cập nhật 2022)

Một trong những vấn đề khiến các nàng dâu đau đầu nhất là chi phí cho một đám cưới bao nhiều là đủ, hạch toán chi phí thế nào để không vượt quá ngân sách, chi phí cưới là do ai chi,…

Thấu hiểu nỗi lo đó của các cậu, Nhà 7799 với tâm thế của một chuyên gia am hiểu trong ngành cưới quyết định liệt kê đầy đủ từ A – Z bảng dự trù chi phí tổ chức đám cưới cập nhật mới nhất cho mùa cưới 2022. Các nàng hãy rót cho mình một ly nước, lấy giấy bút đầy đủ và ngồi xuống cùng chúng tớ ghi lại các hạng mục không thể thiếu cho ngày cưới nhé.

Chi phí cho các nghi lễ cơ bản của đám cưới

Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam thì để đôi trẻ có thể chính thức về chung một nhà cần phải thực hiện đầy đủ các nghi lễ theo đúng phong tục nhằm thể hiện sự thành kính trước tổ tiên và tấm lòng sắt son của cặp vợ chồng. Tuy phong tục tập quán tại mỗi vùng miền mỗi khác nhưng cần đảm bảo 3 lễ chính: lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ cưới.

Chi phí lễ dạm ngõ

Lễ dạm ngõ là buổi gặp mặt chính thức của hai bên gia đình để lên kế hoạch và chọn ngày giờ cũng như bắt tay vào chuẩn bị đám cưới. Thông thường, bên nhà trai sẽ thông báo trước về thời gian và số lượng người tham gia để nhà gái có thể chuẩn bị đầy đủ cho khâu đón tiếp. Trong buổi lễ này, nhà trai cần mang lễ vật (tráp dạm ngõ) đến thưa chuyện, còn nhà gái sẽ tổ chức một bữa ăn thân mật để thiết đãi nhà trai.

Nhà trai

Nhà trai cần chuẩn bị quà lễ nên chi phí cho lễ dạm ngõ thường sẽ cao hơn so với nhà gái. Trong tráp dạm ngõ này sẽ gồm 1 nhành cau gồm 9 – 11 qua, 1 bao thuốc lá, 1 chai rượu, hoa quả, bánh cốm, bánh xu xê, hạt sen, chè Thái Nguyên. Chi phí cho một tráp dạm ngõ sơn mài hoa tươi thường từ 2,5 triệu trở lên.

Tại một số nơi, bên cạnh việc chuẩn bị lễ vật nhà trai còn cần chuẩn bị thêm phong bì tiền cheo tượng trưng. Số tiền này có thể dao động từ 2 đến 5 triệu đồng tuỳ gia cảnh và cũng không bắt buộc.

Nhà gái

Vào ngày dạm ngõ, gia đình nhà gái cần quét dọn nhà cửa sạch sẽ, dọn dẹp bàn thờ gia tiên, trang trí phòng khách với hoa tươi và bày biện bánh kẹo, hoa quả. Chi phí cho phần việc này chỉ rơi vào khoảng 500.000 đến 700.000 đồng.

Sau buổi trò chuyện, thống nhất các vấn đề cần bàn bạc, nhà gái sẽ mời nhà trai ở lại dùng một bữa cơm thân mật. Với số lượng hai bên gia đình khoảng 14 – 16 người mà tự chuẩn bị cơm ở nhà thì cần chi khoảng 4 đến 5 triệu đồng. Còn trong trường hợp gia đình nhà gái muốn đãi ở nhà hàng sang trọng hơn thì chi phí sẽ rơi vào từ 2 đến 4 triệu đồng cho mỗi bàn ăn.

Chi phí lễ ăn hỏi

Lễ ăn hỏi là thủ tục đám cưới truyền thống của người Việt Nam, để nhà trai mang lễ vật thể hiện thành ý để đón cô dâu về làm dâu con. Khi nhà gái đồng ý nhận lễ vật tức là đã chính thức chấp thuận việc gả con gái cho nhà trai. Cho nên, kể từ khi lễ ăn hỏi diễn ra, cặp đôi được coi là vợ chồng chưa cưới, chỉ còn chờ ngày đãi tiệc để chính thức công bố danh phận với họ hàng quan khách.

Xem thêm  Top 10 Trang Trí Gia Tiên Bình Dương Giá Rẻ Và Uy Tín Nhất

Cũng bởi là một trong những ngày trọng đại nhất trong phong tục cưới hỏi nên cả hai gia đình nhà trai và nhà gái thường chuẩn bị trang phục, tráp lễ,… rất cẩn thận.

Nhà trai

  • Trang phục cho chú rể: trung bình 2 đến 5 triệu đồng (nếu may hoặc mua mới)

  • Tráp ăn hỏi: đối với tráp sơn mài hoa tươi cao cấp sẽ rơi vào khoảng từ 9 triệu 2 đến 21 triệu đồng

  • Tiền lì xì trong tráp: 3 phong bì lễ đen, mỗi phong bì khoảng 3 đến 9 triệu (tuỳ thuộc vào kinh tế từng gia đình, lưu ý để số tiền lẻ)

  • Trang phục cho bố mẹ chú rể: từ 4 triệu đồng trở lên (nếu may hoặc mua mới)

  • Trang điểm cho mẹ chú rể: từ 500.000 đồng trở lên

  • Xe đưa đón: đối với xe 16 chỗ rơi vào từ 800.000 – 2 triệu đồng (tuỳ vào số lượng tráp và người tham dự)

  • Đội bê tráp: trung bình 150.000/người (đã bao gồm trang phục nhưng chưa tính phong bao lì xì)

  • Chi phí bữa cơm thân mật: 4 triệu đồng cho mỗi bàn ăn (tuỳ thuộc vào thoả thuận giữa hai gia đình xem bên nào sẽ chịu khoản phí này hoặc hai bên gia đình chia đều tuỳ vào số lượng người tham dự)

  • Chụp ảnh phóng sự: từ 8 đến 10 triệu đồng

Nhà gái

  • Trang phục cô dâu: trung bình từ 2,5 triệu – 5 triệu đồng

  • Trang điểm cô dâu: từ 1 triệu rưỡi – 3 triệu đồng

  • Trang trí tư gia: trung bình từ 8 triệu 4 trở lên

  • Trang phục cho bố mẹ cô dâu: từ 4 triệu đồng trở lên (nếu may hoặc mua mới)

  • Trang điểm cho mẹ cô dâu: từ 500.000 đồng trở lên

  • Chi phí bữa cơm thân mật: 4 triệu đồng cho mỗi bàn ăn (tuỳ thuộc vào thoả thuận giữa hai gia đình xem bên nào sẽ chịu khoản phí này hoặc hai bên gia đình chia đều tuỳ vào số lượng người tham dự)

Chi phí lễ cưới

Lễ cưới chính là nghi lễ quan trọng nhất trong phong tục cưới hỏi của người miền Bắc và nhà trai sẽ chính thức rước cô dâu về nhà. Đối với quan niệm của người Việt thì lễ cưới có giá trị công nhận còn cao hơn cả giấy chứng nhận kết hôn bởi đó là buổi lễ được tổ chức nhằm thông báo rộng rãi về sự chấp nhận và chứng kiến của gia đình và xã hội về cuộc hôn nhân của cặp đôi. Cũng chính bởi sự quan tâm lớn này mà đôi bên gia đình càng mong muốn đầu tư công sức, tiền bạc để tổ chức một buổi tiệc có thể làm hài lòng những quan khách tham dự.

Chi phí in thiệp cưới

Thiệp cưới tuy chỉ là một hạng mục nhỏ nhưng lại chiếm vị trí vô cùng quan trọng bởi nó chính là lời chào hỏi và giới thiệu đầu tiên của cô dâu chú rể đối với khách mời. Tuỳ vào nhu cầu và kinh phí của mỗi cặp đôi mà có thể lựa chọn những thiết kế thiệp mời đám cưới xinh xắn, sang trọng hay độc lạ.

Giá in thiệp cưới trung bình tại Việt Nam sẽ dao động từ 1 triệu đến 2 triệu đồng (cho khoảng 300 khách).

Chi phí chụp ảnh cưới

Chi phí chụp ảnh pre-wedding trung bình trong năm 2022 rơi vào khoảng 9 đến 21 triệu đồng (bao gồm album, ảnh cổng và ảnh để bàn gallery). Tuỳ theo sự lựa chọn gói theo địa điểm của cô dâu chú rể (studio, phim trường hay ngoại cảnh) mà mức chi phí sẽ có sự thay đổi.

Xem thêm  CHỤP ẢNH CỔNG CƯỚI HÀN QUỐC VÀ CÁCH CHỌN ẢNH CỔNG PHÙ HỢP - Tony Wedding

Chi phí váy cưới

Váy cưới được coi là một trong những hạng mục chiếm nhiều tâm tư tình cảm nhất đối với các nàng dâu. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sự lựa chọn về kiểu dáng, màu sắc, chất liệu cho các nàng tha hồ lựa chọn để có thể sánh bước cùng chàng xuất hiện tại lễ đường với diện mạo xinh đẹp và long lanh nhất.

Mức dao động của chi phí váy cưới cũng có biên độ rất lớn từ 4 đến vài trăm triệu đồng nếu nàng chọn thuê hoặc đặt may, thậm chí có những dòng váy cao cấp thì giá tiền còn có thể lên tới vài tỉ đồng.

Chi phí vest cưới

Đơn giản hơn các nàng dâu, nhưng vest cưới cũng là một trong những hạng mục dự chi không thể thiếu trong đám cưới của các chàng rể. Tuỳ vào độ cầu kỳ của các chàng về chất liệu, kiểu dáng mà vest cưới sẽ có mức giá khác nhau. Nhưng trung bình các chàng cần bỏ ra một khoản từ 2 đến 5 triệu đồng là đã có thể sở hữu một bộ đồ tươm tất cho ngày cử hành hôn lễ.

Chi phí trang điểm cô dâu

Vẻ ngoài của cô dâu sẽ được hoàn thiện hơn khi được trang điểm và làm tóc kỹ càng, cho nên bên cạnh váy cưới thì hạng mục make up cũng là công việc chiếm nhiều sự quan tâm của các nàng. Chi phí make up trọn gói cho nàng dâu trong ngày cưới thường dao động từ 2 đến 5 triệu đồng.

Chi phí quay phim, chụp ảnh trong ngày cưới

Ghi lại từng khoảnh khắc đáng giá trong ngày cưới là mong muốn của tất cả các cặp đôi cùng gia đình. Tuỳ vào yêu cầu và kinh phí của mỗi nhà mà chi phí này cũng có sự thay đổi. Tuy nhiên, thông thường một gói quay chụp phóng sự cưới sẽ rơi vào mức giá khoảng 22 đến 30 triệu đồng.

Chi phí trang trí tư gia và tất tần tật hoa trang trí đám cưới

Nếu như ngày ăn hỏi thì việc thuê đơn vị trang trí tư gia cho nhà gái là hạng mục quan trọng không thể thiếu thì vào ngày cưới/ đón dâu, trang trí cho nhà trai lại chiếm phần trăm quan trọng nhiều hơn.

Nếu không có nhu cầu dựng rạp thì chi phí trang chí tư gia trung bình sẽ là từ 8 triệu 4 trở lên. Đi kèm với đó là chi phí trang trí hội trường với mức trung bình khoảng 59 triệu đồng và không thể thiếu hoa xe dâu, hoa tay cầm, hoa cài áo chú rể trọn gói là 2 đến 3 triệu đồng.

Chi phí đãi tiệc

Đây cũng là một trong những hạng mục có sự dao động lớn tuỳ vào số lượng khách hoặc thực đơn tiệc mà hai bên gia đình quyết định chọn lựa. Nhưng một bàn tiệc tầm trung sẽ có mức giá từ khoảng từ 5 triệu đồng. Vì vậy, đối với một bữa tiệc cưới trung bình khoảng 300 khách thì cặp đôi cần chi trả 150 triệu đồng.

Chi phí nhẫn cưới

Trong quan niệm của người Việt thì nhẫn cưới được xem là một lễ vật không thể thiếu đối với bất kỳ nghi thức thành hôn nào. Tuỳ thuộc vào chất liệu, kiểu dáng của cặp nhẫn cưới mà giá thành sẽ thay đổi khác nhau. Hiện tại một cặp nhẫn cưới trung bình trên thị trường sẽ rơi vào khoảng 15 triệu đồng.

Xem thêm  8 khách sạn/ resort ven biển Đà Nẵng tốt nhất để tổ chức tiệc cưới 5 sao

Các chi phí quan trọng khác trong lễ thành hôn

Nhà trai

  • Nữ trang hồi môn cho cô dâu: Tuỳ theo điều kiện của từng gia đình mà mức chi phí cho nữ trang cô dâu có thể lên tới vài chục đến vài trăm triệu đồng. Còn đối với những gia đình có điều kiện kinh tế ở mức hạn chế hơn cũng có thể đưa ra lựa chọn tối giản hơn. Trung bình một bộ trang sức hồi môn cho cô dâu sẽ dao động từ 17 đến 25 triệu đồng

  • Thuê xe dâu: 2,5 triệu đồng trở lên

  • Thuê xe chở người thân, gia đình đi rước dâu: 800.000 đến 1 triệu 2 cho một xe (16 hoặc 29 chỗ)

  • Trang phục cho bố mẹ chú rể: từ 4 triệu đồng trở lên (nếu may hoặc mua mới)

  • Trang điểm cho mẹ chú rể và người nhà: khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu đồng

  • Trái cây, bánh kẹo, nước uống cho ngày đón dâu: 4 triệu

  • Sửa chữa, mua sắm cho phòng tân hôn: từ 15 triệu đồng trở lên

  • Chi phí phát sinh khác: 10 triệu đồng

Nhà gái

  • Trang sức hồi môn bố mẹ đẻ cho cô dâu: trung bình 17 đến 25 triệu đồng

  • Trang phục cho bố mẹ cô dâu: từ 4 triệu đồng trở lên (nếu may hoặc mua mới)

  • Trang điểm cho mẹ cô dâu và người nhà: khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu đồng

  • Thuê xe chở người thân, gia đình đi rước dâu: 800.000 đến 1 triệu 2 cho một xe (16 hoặc 29 chỗ)

  • Trái cây, bánh kẹo, nước uống cho ngày đón dâu: 4 triệu

  • Chi phí phát sinh khác: 10 triệu đồng

Trên đây là dự trù ngân sách đám cưới mà Nhà 7799 đưa ra cho các nàng tham khảo. Tuy nhiên chi phí thực tế sẽ còn tuỳ thuộc vào phong tục tập quán của từng địa phương và điều kiện tài chính của từng gia đình.

Các nàng có thể xem chi tiết dự trù chi phí tại đây nhé:

– Ngân sách tổ chức đám cưới trọn gói 200 triệu

– Ngân sách tổ chức đám cưới trọn gói 500 triệu

– Ngân sách tổ chức đám cưới trọn gói 1 tỷ

Hãy đón xem series xu hướng cưới của 7799 Wedding Storyteller để tiếp tục cập nhật thêm về cách lên ngân sách đám cưới một cách chính xác, đúng chuẩn và những kinh nghiệm chuẩn bị đám cưới trong series tiếp theo nha!

Mách bạn Quy trình tổ chức đám cưới “chuẩn chỉ”

Quy trình chuẩn bị đám cưới

Các nàng dâu có thể xem Báo giá dịch vụ và nhận ngay tư vấn chi tiết từ Nhà 7799 để có phương án trang trí tối ưu và phù hợp nhất nhé.

Xem thêm chuyên mục Phân Tích Không Gian – Trang Trí Cưới Trên Mọi Địa Hình

Tham gia cộng đồng Cưới+

  • Trang Trí Tiệc Cưới Tại Almaz Convention Center Cần Những Hạng Mục Nào?
  • Sheraton Hanoi Wedding Decoration – Concept trang trí tạo khối
  • Gen Z Lựa Chọn Tráp Ăn Hỏi Như Thế Nào?
  • Trang Trí Hoa Để Bàn Ngày Cưới Theo Phong Cách Gen Z
  • Nhà Mình Nhỏ Và Cũ? Trang Trí Cưới Làm Sao
  • Sáng Tạo Các Hạng Mục Đám Cưới Cùng Gen Z
  • Hô Biến Cửa Hàng Kinh Doanh Thành Điểm Tiệc Cưới Trong “Tích Tắc”
  • Biển Welcome: Trang Trí Tiệc Cưới Với Dấu Ấn “Gen Z”