Nghiên cứu của Gartner về mô hình mức độ trưởng thành của chính phủ số – Cục Tin học hóa

Giới thiệu

Gartner tên chính thức là Gartner, Inc. Là thành viên chính thức của S&P 500 và là một công ty tư vấn và nghiên cứu toàn cầu cung cấp thông tin, tư vấn và công cụ cho các doanh nghiệp về công nghệ thông tin, tài chính, nhân sự, dịch vụ khách hàng và hỗ trợ, pháp lý và tuân thủ, tiếp thị, bán hàng và chức năng chuỗi cung ứng.

Theo Gartner “Chính phủ số là chính phủ được thiết kế và vận hành để tận dụng lợi thế của dữ liệu số trong việc tối ưu hóa, chuyển đổi và tạo ra các dịch vụ của chính phủ”.

Trong khi chính phủ điện tử đề cập đến việc các chính phủ sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là sử dụng mạng internet như là một công cụ để đạt được hiệu quả làm việc của chính phủ tốt hơn, thì chính phủ số đề cập đến việc sử dụng các công nghệ số như là một phần của các chiến lược hiện đại hóa của chính phủ nhằm tạo ra giá trị công. Các công nghệ số đề cập đến các công nghệ thông tin và truyền thông bao gồm Internet, các công nghệ thiết bị di động, phân tích dữ liệu nhằm mục đích thu thập, trao đổi, phân tích, truy cập, tìm kiếm các nội dung số, phát triển các dịch vụ và ứng dụng.

Sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Internet kết nối vạn vật IoT, cùng với số lượng người giao tiếp với nhau thông qua các mạng số đang tạo ra các cấu trúc và nguồn dữ liệu khác nhau so với chính phủ điện tử.

Mô hình mức độ trưởng thành chính phủ số theo Gartner cung cấp cho các Giám đốc công nghệ thông tin CIO (Chief Information Officer) một khuôn khổ để đánh giá vị trí, mục tiêu của tổ chức và thực hiện các bước chiến lược để tăng mức độ trưởng thành số. Bài viết này sẽ giới thiệu mô hình mức độ trưởng thành của chính phủ số theo Gartner với các nội dung tương ứng với từng mức độ.

1. Mô hình mức độ trưởng thành của chính phủ số theo Gartner

Để tạo ra sự tiến bộ trong việc chuyển đổi các dịch vụ công, các CIO của chính phủ phải đánh giá vị trí của tổ chức mình trong mối quan hệ với mục tiêu của tổ chức và thực hiện các bước chiến lược để tăng mức độ trưởng thành số. Mô hình mức độ trưởng thành của chính phủ số theo Gartner cung cấp cho các CIO một khuôn khổ cho mục đích đó. Mục tiêu của mô hình mức độ trưởng thành của chính phủ số theo Gartner là hỗ trợ các CIO, các Giám đốc dữ liệu (Chief Data Officers), các Giám đốc kỹ thuật số (Chief Digital Officers) và các nhà hoạch định chiến lược khác:

– Hiểu được các khía cạnh chính của chính phủ số, tập trung vào những điểm khác biệt với chính phủ điện tử truyền thống;

– Xây dựng tầm nhìn chung về năng lực chính phủ số của một tổ chức;

– Đánh giá năng lực chính phủ số hiện tại, so sánh với các thực tiễn đang nổi lên và cung cấp một khuôn khổ để đánh giá những gì cần phải thực hiện để làm cho sáng kiến chính phủ số có giá trị và bền vững;

– Tạo ra lộ trình cho các giai đoạn khác nhau để chuyển đổi sang chính phủ số và hiểu rõ được những hoạt động và sáng kiến nào là quan trọng nhất để thúc đẩy thành công cho chính phủ số.

Mô hình mức độ trưởng thành của chính phủ số theo Gartner có 5 mức độ trưởng thành:

Xem thêm  Qui mô thị trường (Market Size) là gì?

1. Mở đầu (Initial);

2. Phát triển (Developing);

3. Xác định (Defined);

4. Quản lý (Managed);

5. Tối ưu hóa (Optimizing).

Mức độ trưởng thành

Mở đầu

Phát triển

Xác định

Quản lý

Tối ưu hóa

Giá trị trọng tâm

Sự tuân thủ

Minh bạch

Giá trị thành phần

Insight-Driven Transformation (Chuyển đổi theo góc nhìn mới)

Tính bền vững

Mô hình dịch vụ

Sự phản ứng

Trung gian

Tiếp cận chủ động

Lồng ghép

Dự đoán

Nền tảng

Lấy công nghệ thông tin làm trung tâm

Lấy khách hàng làm trung tâm

Lấy dữ liệu làm trung tâm

Lấy vạn vật làm trung tâm

Lấy hệ sinh thái làm trung tâm

Hệ sinh thái

Lấy Chính phủ làm trung tâm

Đồng tạo sinh dịch vụ

Nâng cao nhận thức

Cam kết

Phát triển

Khả năng lãnh đạo

Công nghệ

Dữ liệu

Nghiệp vụ

Thông tin

Đổi mới

Công nghệ trọng tâm

Kiến trúc hướng dịch vụ SOA

Quản lý API

Mở dữ liệu bất kỳ

Tính mô đun

Thông minh

Các chỉ số chính

% Dịch vụ trực tuyến

Số lượng tập dữ liệu mở

% Cải thiện kết quả KPI

% Dịch vụ mới và đã loại bỏ

Số lượng mô hình cung cấp dịch vụ mới

Nguồn: Gartner (Tháng 7/2017) Trong đó:

SOA – Kiến trúc hướng dịch vụ (Service-Oriented Architecture);

KPIs – Chỉ số đo lường hiệu quả công việc (Key Performance Indicators).

Mô hình bao gồm 5 mức, bắt đầu với mức mở đầu, nơi mà các tổ chức có thể hoạt động theo mô hình chính phủ điện tử truyền thống. Ở mức trưởng thành đầy đủ nhất, chuyển đổi số trở thành một quá trình liên tục có khả năng duy trì độc lập. Các mức ở giữa mang lại sự công nhận và cam kết có tính tổ chức ngày càng tăng đối với giá trị của dữ liệu như một tài sản kinh doanh hữu hình và việc phân tích dữ liệu như là một nhiệm vụ quan trọng.

2. Các mức độ trưởng thành của chính phủ số

Theo Gartner, sự chuyển đổi từ chính phủ điện tử sang chính phủ số được diễn ra liên tục. Các dịch vụ của chính phủ chỉ đơn giản là sử dụng và tạo ra dữ liệu. Các chỉ số về chính phủ điện tử tập trung chủ yếu vào hiệu quả hoạt động của các luồng công việc theo chiều dọc, như đăng ký kinh doanh và cấp giấy phép. Ngược lại, các chỉ số hiệu suất chính phủ KPI (Key Performance Indicator) ở các mức độ trưởng thành số cao hơn có thể đo lường hiệu suất của mô hình dịch vụ và nghiệp vụ hoàn toàn mới được tạo ra bằng dữ liệu. Ví dụ như việc kết nối giữa một doanh nghiệp với các cơ quan chính phủ khác, các chương trình giáo dục, các nhà cung cấp địa phương…

Các mức độ trưởng thành của chính phủ số được tóm tắt như sau:

1. Mức 1: Mở đầu (Chính phủ điện tử E-Government)

Ở mức này, có ít sự khác biệt giữa chính phủ số và chính phủ điện tử trong tư duy của các nhà lãnh đạo chính phủ và các nhà hoạch định chính sách. Các CIO và các nhà quản lý đạt được sự tuân thủ các mục tiêu hiện tại và cải thiện hiệu quả hoạt động thông qua các kênh trực tuyến. Các nhà lãnh đạo nghiệp vụ coi công nghệ thông tin và truyền thông là một kênh hỗ trợ bên ngoài có thể cung cấp hiệu quả hoạt động nhưng không xem xét nhu cầu chuyển đổi các quy trình truyền thống nội bộ.

2. Mức 2: Phát triển (Mở “Open)

Mức 2 này có thể diễn ra song song với mức 1. Các chương trình chính phủ điện tử và chính phủ mở cùng tồn tại với sự ưu tiên khác nhau. Một mặt, các sáng kiến chính phủ mở được thực hiện như là các chương trình độc quyền công khai nhằm thúc đẩy sự minh bạch, sự cam kết của công dân. Mặt khác, các sáng kiến chính phủ mở cũng có thể tạo cơ sở để tập trung vào việc mở dữ liệu giữa các cơ quan trong việc sử dụng dữ liệu công cộng.

Xem thêm  Ai cũng nghe về nhân bản vô tính, nhưng bạn có thực sự hiểu về nó không?

Nhiều tổ chức chính phủ đã có chương trình dữ liệu mở và thiết lập một nền tảng dữ liệu mở, chủ yếu tập trung vào việc người dân và doanh nghiệp sử dụng dữ liệu mở công khai của chính phủ thông qua việc phát triển các ứng dụng di động và bảng hiển thị các chỉ số dữ liệu.

3. Mức 3: Xác định (Lấy dữ liệu làm trung tâm “Data-Centric”)

Ở mức này, các cơ quan tập trung vào việc lắng nghe nhu cầu của người dân trong việc thu thập và sử dụng dữ liệu. Các chỉ số được hiện lên là “Có bao nhiêu dữ liệu mở” và “Có bao nhiêu ứng dụng được xây dựng trên dữ liệu mở”. Mức này tạo thành điểm nhấn thật sự để chuyển đổi sang chính phủ số trong việc “Lấy dữ liệu làm trung tâm” dựa trên các nguyên tắc về dữ liệu mở.

Giai đoạn này là điểm nhấn để kích hoạt và tăng tốc việc chuyển đổi từ chính phủ điện tử sang chính phủ số bằng cách lắng nghe nhu cầu của khách hàng, kinh nghiệm của người sử dụng dữ liệu, tập trung vào việc chỉnh sửa và tái thiết các dịch vụ có hiệu quả hơn thông qua các kênh trực tuyến.

4. Mức 4: Quản lý (Kỹ thuật số hoàn toàn “Fully Digital”)

Ở mức này, dữ liệu được tận dụng thường xuyên, dẫn đến các tương tác dễ dàng hơn, các cơ quan, tổ chức sẽ chuyển đổi các quyết định từ mô hình kéo sang mô hình đẩy. Điều này được thực hiện bằng cách tập trung vào việc phân tích dữ liệu và khai thác khả năng trao đổi dữ liệu (ngược lại với chính phủ điện tử là theo đuổi việc tích hợp dịch vụ).

5. Mức 5: Tối ưu hóa (Thông minh “Smart”)

Tại mức này, quá trình đổi mới số bằng việc sử dụng dữ liệu mở được nhúng sâu trong toàn bộ chính phủ. Quá trình đổi mới có thể dự đoán được và lặp đi lặp lại. Chuyển đổi số đã trở thành tiêu chuẩn chính, các CIO làm chủ thông tin và dữ liệu, phụ trách việc quản lý danh mục chuyển đổi số.

Đối với mỗi mức độ trưởng thành của chính phủ số, mô hình trưởng thành trên đã làm nổi bật lên:

a. Giá trị trọng tâm (Value Focus): Ở các mức độ trưởng thành khác nhau, các tổ chức chính phủ theo đuổi một loạt các ưu tiên dựa trên các ưu tiên chính trị ngắn hạn và dài hạn.

b. Mô hình dịch vụ (Service Model): Các dịch vụ của chính phủ có thể được cung cấp thông qua sự kết hợp giữa các kênh của chính phủ và các tổ chức phi chính phủ cũng như sự cân bằng khác nhau giữa các dịch vụ phản ứng (đáp ứng các yêu cầu rõ ràng) và các dịch vụ chủ động (được kích hoạt tự động khi có một sự kiện xảy ra)

c. Nền tảng (Platform): Một nền tảng nghiệp vụ số bao gồm năm (05) nền tảng khác nhau, đó là nền tảng:

– Công nghệ thông tin;

– Thành phần;

– Vạn vật;

– Hệ sinh thái;

– Dữ liệu thông minh.

Năm nền tảng trên có thể được nhúng vào các mức độ trưởng thành khác nhau tùy thuộc vào nhiệm vụ của mỗi cơ quan, và mỗi mức độ trưởng thành lại có xu hướng nhấn mạnh vào một khu vực khác nhau.

Xem thêm  Phương pháp lương 3P là gì? - Công ty Tư vấn Quản lý OCD

d. Hệ sinh thái (Ecosystem): Cung cấp dịch vụ với mức độ phụ thuộc khác nhau vào các bên (như nhà cung cấp, đối tác và trung gian). Bản chất, vai trò và cam kết với các bên này sẽ khác nhau ở từng mức độ trưởng thành.

đ. Khả năng lãnh đạo (Leadership): Cốt lõi của sự chuyển đổi số thành công ở các mức độ khác nhau là sự hợp tác của các nhà lãnh đạo công nghệ và nghiệp vụ.

e. Công nghệ trọng tâm (Technology Focus): Ở mỗi giai đoạn trưởng thành thì sẽ yêu cầu một số công nghệ trọng tâm tạo thành công trong việc chuyển đổi số.

g. Các chỉ số chính (Key Metrics): Là việc đo lường các mục tiêu phát triển của các giai đoạn trưởng thành.

Các công nghệ số và luồng dữ liệu quy mô lớn của chính phủ số đang thay đổi căn bản cách sống và cách làm việc của người dân, giúp cho họ dễ dàng tương tác với nhau hơn, tham gia vào việc quyết định sự phát triển của nền kinh tế và quy trình ra quyết định của Chính phủ. Các chính sách, mô hình chuyển đổi từ chính phủ điện tử sang chính phủ số cung cấp cái nhìn sâu sắc về các xu hướng, cơ hội, thách thức, và định hướng để tận dụng tối đa những lợi ích và cải cải thiện phúc lợi cho người dân.

Kết luận

Tại Việt Nam, khái niệm về chính phủ số (Vietnam Digital Government) bắt đầu được xuất hiện tại Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử từ năm 2016, 2017. Việc chuyển đổi sang chính phủ số hoàn toàn không còn là một lựa chọn, mà là một điều bắt buộc đối với chính phủ của các nước trên thế giới nói chung và Chính phủ Việt Nam nói riêng. Để trở thành chính phủ số hoàn toàn, các chính phủ cần áp dụng và sử dụng các dữ liệu và công nghệ kỹ thuật số làm thành phần chiến lược trong nỗ lực hiện đại hóa khu vực công, tích hợp các quy trình và hoạt động cốt lõi, thiết lập các cách thức làm việc mới thúc đẩy sự cởi mở và hợp tác giữa các chính phủ, triển khai các dịch vụ và chính sách công để đạt được các phương pháp tiếp cận hướng đến người dân hơn.

Bài viết đã giới thiệu tổng quan về mô hình mức độ trưởng thành của chính phủ số, hiểu rõ mô hình mức độ trưởng thành của chính phủ số này sẽ giúp các cơ quan, tổ chức loại bỏ được các rào cản và đặt ra các mục tiêu mới nhằm đạt được sự thành công trong việc chuyển từ chính phủ điện tử sang chính phủ số.

Tính tới thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam chỉ mới đang định hướng xây dựng chính phủ số, tuy nhiên vẫn chưa có hướng dẫn đánh giá mức độ trưởng thành để giúp các cơ quan, tổ chức xác định vị trí, mục tiêu… phát triển chính phủ số. Do vậy, trong thời gian tới, vấn đề về đánh giá mô hình mức độ trưởng thành của chính phủ số nên được đề cập đến trong các chủ đề, hội thảo, hội nghị… liên quan đến chính phủ số để giúp các cơ quan, tổ chức hiểu rõ mức độ trưởng thành của mình.

Lê Thị Thùy Trang

Tài liệu tham khảo

[1] Andrea Di Maio, Rick Howard, Introducing the Gartner Digital Government Maturity Model 2.0, Gartner, Inc, 2017.

[2] Rob van der Meulen, 5 Levels of Digital Government Maturity, Gartner, Inc, 2017.

[3] Rob van der Meulen, When Less Becomes More: The Journey to Digital Government, Gartner, Inc, 2016.

[4] Public Governance and Territorial Development Directorate, Recommendation of the Council on Digital Government Strategies, 2014.