Rối loạn cảm xúc

Case bệnh

Trầm cảm (Depression)

C, một chuyên gia 43 tuổi, đã cảm thấy ngột ngạt với cuộc sống của mình trong 6 tháng qua. Sau khi cha anh qua đời, anh luôn tự hỏi về cuộc sống của bản thân mình. Sau đó, anh không được cân nhắc cho việc thăng chức, anh cảm thấy bất mãn; công việc đối với anh không còn thú vị nữa, anh thấy chúng thật nhàm chán. Một thời gian ngắn sau, anh thường thức dậy với một tâm trạng buồn bực và cảm thấy sợ hãi với việc phải ra khỏi nhà và chỉ trong vòng một tháng anh ngày càng cảm thấy khổ sở và buồn bã. Tương lai xám xịt. Anh muốn nghỉ việc nhưng không thể lên được một kế hoạch nào. Anh không thể tập trung và công việc dần chất đống trên bàn trong khi anh ngồi đó, cố gắng quyết định mình nên bắt đầu từ đâu.Ở nhà anh thường thức dậy rất sớm và đi lại quanh nhà mà không có mục đích gì. Anh không còn cảm thấy ngon miệng khi ăn, và vợ anh khó chịu, liên tục nói rằng anh cần phải “thôi cái kiểu đấy đi”. Nhưng điều ấy chỉ khiến anh cảm thấy tồi tệ và vô dụng hơn. Mọi thứ chỉ trở nên rõ ràng khi một sang sớm vợ anh thấy anh đứng bên cửa sổ, khóc tức tưởi một cách không thể kiểm soát, và nói rằng anh chỉ muốn kết thúc mọi thứ.

Hưng cảm nhẹ (Hypomania)

Một quản lý 25 tuổi được giao nhiệm vụ lập ra một bộ phận trong công ty. Cô làm việc hăng say, hoàn thành việc này, và còn đàm phán thành công một hợp đồng lớn. Cô được một công ty “săn được” và trong tháng đầu tiên làm việc tại đây, cô vừa cảm thấy được khích lệ vừa choáng ngợp với lượng công việc được giao hằng ngày. Cô bắt đầu làm việc chăm chỉ hơn nữa và bỗng thấy mình không cần ngủ quá nhiều nữa. Cô dành hàng tiếng đồng hồ ở công ty nhưng vẫn luôn tràn đầy năng lượng và ý tưởng. Cô yêu cầu một loạt các cuộc họp, gọi điện cho những quản lý cấp cao của các công ty khác nói về ý tưởng của mình và trở nên giận dữ khi cấp trên không tin tưởng những việc cô làm. Sự khó chịu trong cô tăng dần, cô thậm chí còn chửi mắng nhân viên và đồng nghiệp bằng những từ ngữ thô tục. Một sáng nọ, khoảng 2 tuần sau đó, cô tỉnh dậy và cảm thấy như mình thật sự “đầy quyền năng” và được Chúa giao cho nhiệm vụ cứu đất nước khỏi những cuộc tấn công hạt nhân. Người thân trong gia đình trở nên hoảng hốt và đi tham khảo ý kiến bác sĩ.

Rối loạn cảm xúc là gì?

Rối loạn cảm xúc là các bệnh đặc trưng bởi những thay đổi trong tâm trạng,hưng cảm, trầm cảm hoặc tình trạng kết hợp của cả hai. Một số tên gọi khác như rối loạn tình cảm (Affective Disorder), rối loạn lưỡng cực (Bipolar Disorder) và rối loạn hưng phấn (Manic Disorder) cũng được sử dụng để miêu tả tâm trạng khác thường. Để phục vụ mục đích chẩn đoán và điều trị, có sự phân biệt rõ về bản chất và mức độ nghiêm trọng của việc thay đổi tâm trạng, vì vậy rối loạn lưỡng cực loại I được dùng cho những khóa lâm sàng, đặc trưng bởi sự xuất hiện của một hoặc nhiều giai đoạn hưng cảm hoặc hỗn hợp (hưng cảm và trầm cảm). Rối loạn lưỡng cực loại II là sự xuất hiện của một hoặc nhiều giai đoạn trầm cảm nặng kèm với ít nhất một giai đoạn hưng cảm nhẹ.

Dịch tễ học

Các nghiên cứu dịch tễ học như Viện Sức khỏe Tâm lý Quốc gia (NIMH), Dự án Lưu vực Dịch tễ (ECA) và Nghiên cứu các bệnh phức hợp Quốc gia (NCS) tại Mỹ, ước tính rằng tỷ lệ mắc Rối loạn lưỡng cực là từ 0.8% đến 1.6%. Không có sự chênh lệch nhiều giữa hai giới (tỉ lệ 1.3 nam : 1 nữ) và bệnh này phát sinh sớm từ cuối lứa tuổi vị thành niên hoặc trước 30 tuổi. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh này xuất hiện thường xuyên hơn ở các tầng lớp xã hội – kinh tế cao.

Tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm cao hơn, khoảng 5.8%. Một nghiên cứu của Fones, Kua, Ng và Ko năm 1998 ước lượng rằng tỷ lệ mắc bệnh Trầm cảm tại Singapore là 8.6%. Với người cao tuổi, tỷ lệ này thấp hơn, ở mức 5.7% (Kua, 1990). Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã xếp hạng Trầm cảm là vấn đề y tế lớn thứ 4 trên toàn thế giới. Trong vòng 5 năm sau khi hồi phục từ một giai đoạn trầm cảm nặng, hơn 60% bệnh nhân tái phát bệnh; trong vòng 10 năm, con số này tăng lên đến 75%. Trầm cảm phổ biến hơn ở nữ giới, tỷ lệ này khoảng 2 nữ : 1 năm (tỷ lệ mắc bệnh cao nhất thuộc độ tuổi từ 35 đến 45 tuổi), thuộc tầng lớp xã hôi thấp hơn, và những người ly hôn, ly thân và/hoặc góa bụa. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới tăng cùng tuổi tác (khả năng mắc bệnh cao nhất là sau 55 tuổi).

Trầm cảm không được điều trị dẫn đến khả năng tử vong cao.

Các triệu chứng lâm sàng

Biểu hiện rõ nhất của rối loạn cảm xúc là những cảm xúc này khác biệt hoàn toàn so với những trạng thái cảm xúc bình thường. Trầm cảm và hưng cảm là hai thái cực của trạng thái cảm xúc, được xác định bằng các triệu chứng trong bảng 1 và 2.

Ở trầm cảm (Depression), tinh thần xấu, và luôn có một nỗi buồn hiện diện, những cảm giác chán nản và không có khả năng vui thích với những thứ mà bình thường khiến bản thân vui vẻ. Tâm trạng chán chường này thường đi kèm với những suy nghĩ và cách nhìn tiêu cực.

Ở hưng cảm (Mania), tinh thần luôn luôn cao hoặc bồn chồn một cách bất thường. Điều này thường đi kèm với những suy nghĩ vĩ đại và tích cực. Hưng cảm nhẹ (Hypomania) là một dạng nhẹ hơn của hưng cảm.

Bảng 1: Những triệu chứng của trầm cảm

  • Tâm trạng buồn rầu, chán nản thường trực;
  • Hay khóc;
  • Cảm giác tuyệt vọng, tiêu cực;
  • Cảm giác tội lỗi, vô dụng, bất lực và tự trọng thấp;
  • Mất đi thú vui, khả năng tận hưởng;
  • Tập trung kém;
  • Thiếu năng lượng, mệt mỏi;
  • Các ý nghĩ tự tử hoặc thử tự tử;
  • Các triệu chứng sinh lý như ngủ không trọn giấc, mất kinh nguyệt, thay đổi thói quen khẩu vị ăn uống, thay đổi cân nặng, giảm ham muốn tình dục;
  • Các triệu chứng thể chất như táo bón, bồn chồn, khó chịu.
Xem thêm  Cách nói về số trong tiếng Anh - VnExpress

Bảng 2: Các triệu chứng của hưng cảm

  • Tâm trạng phấn khích;
  • Hay khó chịu;
  • Có các ý tưởng vĩ đại;
  • Nói nhiều;
  • Các ý tưởng hỗn loạn hoặc ý nghĩ lướt qua nhanh;
  • Nhiều năng lượng hơn một cách rõ rệt;
  • Mất ngủ;
  • Cư xử hành động không phù hợp, quá mức thân thiết, dễ bị phân tán;
  • Khả năng nhận định kém;
  • Tăng ham muốn tình dục.

Bệnh rối loạn khí sắc/Rối loạn trầm cảm nhẹ (Dysthymic Disorder) dùng để chỉ những bệnh nhân đã mắc bệnh trầm cảm liên tục trong ít nhất 2 năm mà không trải qua giai đoạn trầm cảm nặng và chưa từng phát sinh giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ. Bệnh nhân phải trải qua ít nhất 2 trong số các triệu chứng sau: chán ăn hoặc ăn quá độ, mất ngủ hoặc ngủ quá độ, thiếu năng lượng hoặc mệt mỏi, tự trọng thấp, thiếu tập trung hoặc khó khăn trong việc đưa ra các quyết định và có cảm giác tuyệt vọng.

Đôi khi bệnh nhân có thể tìm kiếm sự giúp đỡ, kêu ca rằng họ cảm thấy buồn chán, khó chịu, hưng phấn hoặc các triệu chứng khác. Tuy nhiên, những người mắc bệnh trầm cảm thường có xu hướng tim kiếm sự giúp đỡ hơn là những người mắc bệnh hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ. Nhưng một khi các triệu chứng trầm trọng lên, điển hình như khóc lóc hoặc nói nhiều hơn bình thường, những người xung quanh sẽ nghi ngờ rằng có vấn đề và khuyên nhủ họ tìm kiếm sự giúp đỡ.

Nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc

Có rất nhiều giả thuyết và lý thuyết về nguyên nhân gây ra Rối loạn cảm xúc nhưng các thuyết về mặt sinh lý, sinh học được cho là đóng vai trò chính.

Di truyền

Dù các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh này có xu hướng di truyền, phương thức di truyền vẫn chưa được làm rõ. Một số nghiên cứu về di truyền cho thấy tỷ lệ tương thích cho chứng rối loạn cảm xúc ở các cặp sinh đôi cùng trứng là 65%, điều này có thể do sự di truyền qua nhiễm sắc thể thường với các biểu hiện khác nhau. Nhưng di truyền đa gen cũng có thể giải thích các biến thể trong triệu chứng.

Gershon và đồng nghiệp tìm thấy rằng giữa người thân 1 đời có tỷ lệ mắc các bệnh đơn cực (trầm cảm hoặc hưng cảm) là 10% đến 15%, còn với các bệnh lưỡng cực thì tỷ lệ mắc bệnh là 15% đến 20%.

Nghiên cứu các trường hợp nhận con nuôi chỉ ra rằng cha mẹ sinh học có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 15 lần so với cha mẹ nuôi.

Có thể chia thành hai nhóm nhỏ trong Rối loạn cảm xúc – nhóm phát sinh sớm (tuổi phát sinh từ 25 tuổi) và nhóm phát sinh muộn (tuổi phát sinh là 39 tuổi). Những bệnh nhân trong nhóm đầu tiên có tiền sử gia đình có nguy cơ cao trong khi những bệnh nhân ở nhóm thứ 2 thì có nguy cơ ít hơn.

Tương tự như vậy, 2 nhóm nhỏ trong bệnh trầm cảm, trong đó gia đình của những bệnh nhân nữ phát bệnh sớm có nhiều họ hàng nữ mắc trầm cảm và họ hàng nam mắc chứng nghiện rượu và thái nhân cách (sociopath). Bệnh nhân nam phát sinh bệnh muộn có số lượng họ hàng cả nam và nữ mắc bệnh trầm cảm như nhau, và một số ít họ hàng nam mắc chứng nghiên rượu và thái nhân cách. Điều này dẫn tới ý tưởng rằng có thể có bệnh phổ trầm cảm (căn bệnh xảy ra ở bệnh nhân nữ phát bệnh sớm) và bệnh trầm cảm gốc (pure depressive disease) (xảy ra ở bệnh nhân nam phát bệnh muộn).

Thông thường, các rối loạn đơn cực thường di truyền đúng như vậy, nhưng các rối loạn lưỡng cực thường dẫn đến nguy cơ cao mắc các rối loạn đơn cực lẫn lưỡng cực ở người thân và họ hàng.

Các nghiên cứu về tương quan và liên kết di gen đang được thực hiện để tìm ra mối quan hệ giữa các chứng rối loạn cảm xúc và nhóm máu (ABO), các kháng nguyên bạch cầu và enzyme monoamine oxidase. Những nghiên cứu gần đây cho thấy có thể có mối liên hệ giữa Rối loạn Lưỡng cực loại I và hoạt động của enzyme monoamine oxidase. Tuy nhiên, ý nghĩa của những phát hiện liên quan tới nhiễm sắc thể X này vẫn còn đặt ra nhiều nghi vấn.

Một số nghiên cứu khác lại tập trung vào nhiễm nhiễm sắc thể số 6, 13 và 15 nhưng chưa thể đi đến những kết luận chắc chắn.

Miễn dịch thần kinh

Một số phát hiện trong lĩnh vực miễn dịch thần kinh trong bệnh trầm cảm năng bao gồm mối liên hệ với việc tăng bạch cầu, tăng nồng độ kháng thể (VD như kháng thể kháng phospholipid), thay đổi trong mức độ và tỷ lệ của các nhóm tế bào limpho T, sự sinh sôi nhanh của tế bào limpho B, tốc độ sản xuất Interleukin 1 và 6 nhanh và số lượng lớn các pha đáp ứng protein cấp tính. Tuy nhiên, những phát hiện này vẫn chưa đồng nhất và do đó chưa có kết luận cụ thể.

Hình ảnh học thần kinh

Phát hiện thường xuyên nhất của hình ảnh học thần kinh về bệnh trầm cảm nặng là các điểm bất thường tại khu vực dưới bên của phần não trước trán. Các rãnh hoặc thất phình to được ghi nhận trong các nghiên cứu về hình ảnh cấu trúc thần kinh (CT và MRI) nhưng chúng không lớn bằng hình chụp não của bệnh nhân tâm thần phân liệt (Schizophrenia).

Sự thay đổi của chất trắng như cường độ tín hiệu cao được ghi nhận trong vùng dưới vỏ não – hạch nền, thalamus và cầu não.

Một số nghiên cứu PET và SPECT báo cáo có sự giảm rõ rệt trong hoạt động trao đổi chất tại thùy trước và thúy thái dương, hoạt động này quay trở lại bình thường sau khi được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm. Mức độ trầm trọng của trầm cảm thường liên quan tới mức độ giảm trao đổi chất tại não trước.

Các bản chụp PET cho thấy có sự khác biệt trong phản ứng tình cảm, ví dụ như “Hạnh phúc” giảm lưu lượng tuần hoàn và mức độ tiêu thụ năng lượng tại khu vực não trước và khu vực giao thùy đỉnh và thùy thái dương. Bản chụp cũng cho thấy vùng vỏ não trước trán hoạt động trong tâm trạng buồn bình thường nhưng lại không hoạt động trong tình trạng trầm cảm lâm sàng.

Các nghiên cứu hình ảnh học thần kinh cho thấy những đặc tính của trầm cảm có mối liên hệ chặt chẽ với sự thay đổi trong lưu lượng tuần hoàn não và/hoặc trao đổi chất tại vỏ não trước thái dương (fronto temporal cortex) cũng như phần não trung tâm (caudate nucleus).

Xem thêm  Quá cảnh tiếng Anh là gì?

Hóa sinh

Những nghiên cứu trước đây cho rằng những thuốc như Reserpine, một loại thuốc giúp hạ huyết áp với khả năng làm giảm trữ lượng catecholamine [1] có thể dẫn tới trầm cảm. Trong khi, imipramine, một loại thuốc chống trầm cảm được giới thiệu năm 1957, hoạt động trên cơ chế ngăn cản việc tái hấp thu noradrenaline và serotonin, lại có hiệu quả trong việc điều trị trầm cảm.

Schildkraut đã đề xuất giả thuyết về sự ảnh hưởng của catecholamine trong Rối loạn cảm xúc, nói rằng việc giảm thiểu số lượng các chất dẫn truyền loại monoamine, đặc biệt là noradrenaline và serotonin có thể gây ra trầm cảm.

Riêng việc các thuốc chống trầm cảm như loại 3 vòng (tricyclic) và MAOIs (ức chế monoamine oxidase) làm tăng mức kết nối của các monoamine cũng ủng hộ cho ý tưởng này. Thêm nữa, nồng độ của 3 methoxy – 4 hydroxy phenylglycol (MHPG), chất chuyển hóa chính của noradrenaline trong mẫu plasma và nước tiểu của bệnh nhân trầm cảm và rối loạn lưỡng cực đều thấp hơn so với nhóm đối chứng. Tuy nhiên, nồng độ của noradreline và adrenaline lại cao hơn trong mẫu plasma và nước tiểu của bệnh nhân trầm cảm và rối loạn lưỡng cực, điều này cho thấy hoạt động sản xuất catecholamine tăng lên do hệ thống thần kinh cường giao cảm hoạt động quá mạnh.

Những tiến bộ trong tế bào học và sinh học phân tử cho thấy có thể có 2 đường dẫn. Quá trình này bao gồm các thụ thể (receptor) – hệ thống truyền tín hiệu thứ 2, VD như CAMP, inositol triphosphate, canxi và nitric oxide và các đường dẫn truyền tín hiệu nội bào được quy định bởi các thành phần neurotrophin[2] và cytokine[3], và chính những phân tử này lại sản xuất ra những chuỗi đường dẫn protein kinase [4] nội bào.

Hormone

Thay đổi cảm xúc và tâm trạng vẫn được gắn liền với các rối loạn nội tiết tố như suy giáp, cường cận giáp, hội chứng Cushing và bệnh Addision. Hoạt động của vùng dưới đồi (hypothalamus) – tuyến yên – tuyến thượng thận cũng được quan sát thấy ở bệnh nhân trầm cảm tiết ra quá nhiều cortisol [5] dẫn đến nồng độ cortisol rất cao trong mẫu plasma, CSF và nước tiểu. Lượng cortisol được sản xuất thường nhật vì thế cũng thay đổi.

Một số phát hiện khác ở bệnh nhân trầm cảm bao gồm sự vắng mặt hoặc thiếu hụt phản ứng của hormone kích thích tuyến giáp (TSH) với hormone giải phóng thyrotrophin (TRH), sụt giảm phản ứng của hormone tăng trưởng với các bài kiểm tra áp lực insulin và nồng độ prolactin nền giảm.

Lý thuyết thần kinh học

Một cơ số các lý thuyết tâm thần học nhấn mạnh vai trò của sự mất mát, thụt lùi cảm xúc xuống mức độ cơ bản nhất. Nguy cơ ảnh hưởng xấu đến lòng tự trọng và hình ảnh bản thân (đây cũng là các triệu chứng trầm cảm).

Beck đưa ra ý tưởng “nhận thức trầm cảm” vào năm 1967. Những nhận thức này bao gồm các ý nghĩ, mong đợi và nhận thức méo mó tiêu cực, và có những điều sau:

  1. Suy luận tùy tiện – luôn cho rằng mọi việc đều có hàm ý tiêu cực;
  2. Lo lắng có chọn lọc – chỉ tập trung vào các mặt trái và các sự kiện tiêu cực;
  3. Phóng đại – nâng tầm quan trọng của những sự việc nhỏ nhặt;
  4. Thu nhỏ – đánh giá thấp những việc tốt, những sự kiện tích cực;
  5. Quá khái quát hóa – diễn giải ra những kết luận xa vời từ chỉ một sự việc.

Xã hội học

Những lý thuyết này đề xuất rằng mất mát những mối liên hệ gắn kết (Bowlby 1975) và những tình huống cuộc sống khó khăn (Brown & Haris 1978) có thể dẫn đến trầm cảm. Một vài yếu tố dễ bị tổn thương cũng được cho rằng có thể mở đường cho trầm cảm, những yếu tố này bao gồm các dấu mốc trong đời hoặc những khó khăn lớn, như thất nghiệp, mối quan hệ xấu với chồng, có bằng hoặc nhiều hơn 3 trẻ dưới 15 tuổi, mồ côi mẹ hoặc bị chia cắt với mẹ trước 11 tuổi.

Paykel và Brown và Harris phát hiện ra rằng có nhiều những sự kiện này xảy ra trong những tháng trước khi rối loạn trầm cảm phát sinh. Paykel nhận ra rằng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm tăng lên gấp 6 lần sau khi bệnh nhân trải qua một sự kiện tiêu cực lớn.

Yếu tố về tính cách

Không có một tính cách nhất định nào khiến cá nhân có nguy cơ mắc các rối loạn cảm xúc cao hơn. Bệnh nhân hưng cảm có xu hướng sinh hoạt bình thường trước khi mắc bệnh hơn là các bệnh nhân trầm cảm. Những bệnh nhân trầm cảm thường là người hướng nội, tự lập, không tự tin và dễ bị căng thẳng ngay cả trước khi bệnh tái phát.

Bệnh thể chất

Một số bệnh thể chất có thể gây ra rối loạn cảm xúc. Một phần ba số bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim có thể phát bệnh trầm cảm. Bệnh Hungtington, u não, các bệnh ung thư và bệnh truyền nhiễm khác cũng có thể xảy ra trước hoặc có liên quan đến trầm cảm. 40 đến 50% bệnh nhân thấp khớp có biểu hiện trầm cảm.

Các hoạt chất dược lý

Một số loại thuốc dùng để điều trị bệnh thể chất có thể gây ra chứng rối loạn cảm xúc; phản ứng hưng cảm đối với steroid được ghi nhận rộng rãi.

Nghiên cứu

Hiện tại chưa có những thí nghiệm chính xác hay những dấu hiệu sinh học chắc chắn để có thể đo lường cho các bệnh rối loạn cảm xúc. Một bài kiểm tra sinh hóa được sử dụng trong nghiên cứu là Bài kiểm tra ức chế Dexamethasone. Kết quả bất thường được thấy ở 50% các bệnh nhân trầm cảm nặng nhưng vì các chỉ số cao và không chính xác, mức ứng dụng của bài kiểm tra này còn hạn chế.

Những bài kiểm tra tâm lý chủ quan như Thang đánh giá Zung (Zung Rating Scale) và Thang đánh giá trầm cảm Beck (Beck’s Depression Inventory BDI) đều không chi tiết nhưng lại khá nhạy cảm. Phương pháp Thang điểm trầm cảm của Hamilton (Hamilton’s Depression Scale HAM-D) dựa trên đánh giá của người quan sát được sử dụng trong nghiên cứu.

Cách kiểm soát

Các cách kiểm soát tâm lý bao gồm:

  1. Dược lý trị liệu
  2. Hồi phục các chức năng sinh hoạt, vai trò xã hội và tâm lý xã hội (occupational and psychosocial function)
  3. Giảm khả năng tái phát bệnh
  4. Xác định những bệnh nhân có nguy cơ tự tử hoặc làm hại người khác
  5. Giáo dục bệnh nhân và gia đình
Xem thêm  Cửa khẩu trong Tiếng Anh là gì: Định Nghĩa, Ví Dụ Anh Việt

Điều trị bằng thuốc có hiệu quả đối với Rối loạn lưỡng cực và trầm cảm nặng. Bệnh nhân rối loạn lưỡng cực sẽ cần thuốc cân bằng cảm xúc (mood stabilizer); sodium valproate và lithium là những thuốc được chọn để sử dụng trong giai đoạn cấp tính.

Có thể bổ sung thuốc chống loạn thần (antipsychotic) và/hoặc benzodiazephine trong giai đoạn hưng cảm cấp tính cho những triệu chứng loạn thần, bứt rứt và lo âu.

Một khi những triệu chứng cấp tính đã được giải quyết, cần tiếp tục sử dụng thuốc ổn định cảm xúc từ 2 đến 6 tháng. Phương án dùng thuốc ổn định cảm xúc để phòng bệnh dài hạn nên được cân nhắc sau 2 giai đoạn hưng cảm hoặc một giai đoạn hưng cảm trầm trọng hoặc nếu goa đình có tiền sử Rối loạn lưỡng cực.

Cho bệnh nhân phản ứng một phần hoặc không phản ứng với thuốc trong giai đoạn cấp tính, phương pháp thường gặp nhất là xem xét lại liều lượng thuốc, bổ sung thêm một loại thuốc an thần thứ 2, hoặc đổi sang sử dụng một loại thuốc ổn định cảm xúc khác. Trị liệu sốc điện (Electroconvulsive Therapy ECT) có hiệu quả cho những trường hợp hưng cảm ảnh hưởng đến tính mạng, hoặc thuốc ổn định cảm xúc không có tác dụng, hoặc với bệnh nhân không thể sử dụng thuốc ổn định cảm xúc và/hoặc thuốc chống loạn thần.

Thuốc chống trầm cảm có hiệu quả với mọi hình thức rối loạn trầm cảm. Lựa chọn phương pháp này phụ thuộc vào các yếu tố như độ tuổi của bệnh nhân và tình trạng sức khỏe tổng quan, những rối loạn thần kinh hiện đang có, tiền sử phản ứng với thuốc, hồ sơ tiền sử phản ứng phụ, liều lượng và thời gian sử dụng, tương tác có thể có của thuốc và các vấn đề tài chính.

Cho dù bệnh nhân sử dụng loại thuốc chống trầm cảm nào, đều cần có liều lượng đầy đủ. Với cách điều trị hợp lý, khoảng 70% bệnh nhân trầm cảm sẽ có phản ứng tốt.

Thông thường, các thuốc chống trầm cảm 3 vòng (tricylic antidepressant) là vòng điều trị đầu tiên cho bệnh trầm cảm, tuy nhiên những thuốc này lại có tiền sử tác dụng phụ tương đối không tốt và gây hại cho tim nếu sử dụng quá liều.

Các thuốc chống trầm cảm mới với cơ chế Ức chế tái hấp thu Serotonin có chọn lọc (Selective Serotonin Reuptake Inhibitors SSRI) được các bệnh nhân tiếp nhận tốt hơn và có ưu điểm về hơn về liều lượng. Những thuốc này không có tác dụng phụ gây ức chế chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine, và không gây hại đến tim.

Ở bệnh trầm cảm loạn thần, thuốc chống loạn thần thường sẽ được bổ sung vào thuốc chống trầm cảm.

Trị liệu sốc điện ECT có hiệu quả đối với bệnh nhân trầm cảm nặng nếu như các triệu chứng vô cùng trầm trọng, kéo dài và gây đau buồn cho bệnh nhân. Những bệnh nhân có dấu hiệu loạn thần, ám ảnh trầm trọng hoặc luôn tìm cách tự tử cũng có thể sử dụng phương pháp này. Một trường hợp khác là những bệnh nhân không thể chịu được các tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm được kê ở liều lượng điều trị trong vòng 4 đến 6 tuần.

Tâm lý trị liệu có hiệu quả với bệnh nhân rối loạn cảm xúc khi các triệu chứng cấp tính đã được giải quyết tương đối. Tâm lý trị liều thường có tác dụng đối với các trường hợp gặp khó khăn trong các mối quan hệ, mâu thuẫn cá nhân và nhận thức lệch lạc.

Thông thường, bệnh nhân trầm cảm nhẹ và rối loạn khí sắc kéo dài (dysthymia) hồi phục tốt nhất bằng chỉ bằng phương pháp tâm lý trị liệu (psychotherapy)

Nguồn tham khảo: Ghi chép và nghiên cứu của Bác sĩ Rathi Mahedran, Singapore.

Link bài viết gốc: oecc.vn/20…

Chú thích:

[1] Catecholamine là hormone được sản xuất bởi tuyến thượng thận, được tiết ra khi cơ thể ở trạng thái căng thẳng về thể lực hay tâm trí. Những loại catecholamines chính bao gồm dopamine, norepinephrine và epinephrine (cũng được gọi là adrenalin). Theo US National Library of Medicine.

[2] Neurotrophin chỉ những hợp chất có nhiệm vụ giúp các nơron thần kinh tồn tại và phát triển. Chúng là những phân tử protein lớn được sản xuất bởi các tế bào trong hệ thần kinh quy định quá trình phân chia, tồn tạo và chết đi của các nơron. Trong quá trình phát triển hệ thần kinh, neurotrophin được tiết ra từ tế bào đích hoặc các tế bào thần kinh đêm, và chỉ những nơron nhận được đủ lượng neurotrophin mới có thể tồn tại. Những loại neurotrophin chính bao gồm NGF (Nerve Growth Factor – Yếu tố tăng trưởng nơron). NT-3 (Neurotrophin-3), bFGF (Fibroblast Growth Factor). Theo Division of Biology and Medicine – Brown University.

[3] Cytokine là các protein dẫn truyền hóa học, làm nhiệm vụ chuyển thông tin giữa các thế bào trong hệ miễn dịch. Cytokine được tiết ra bởi các tế bào miễn dịch và hoạt động trên các tế bào khác để phối hợp và tạo phản ứng miễn dịch phù hợp. Cytokine bao gồm nhiều loại interleukin, interferon và các yếu tố tăng trưởng đa dạng. Theo US National Institute of Health.

[4] Kinase là một loại enzyme xúc tác sự chuyển hóa của các gốc phosphate (-PO3) từ các phân tử lớn mang năng lượng sang các cơ chất, hay còn gọi là quá trình phospho hóa.

[5] Cortisol là một hormone được sản xuất bởi tuyến thượng thận có vai trò lớn trong viêc: phát triển xương, điều hòa huyết áp, chức năng hệ miễn dịch, chuyển hóa chất béo, carbohydrates và protein, chức năng hệ thần kinh và phản ứng căng thẳng của cơ thể. Theo US National Library of Medicine.

*** Rối loạn cảm xúc là một rối loạn tại não bộ gây ra sự biến đổi cảm xúc không ổn định. Rối loạn cảm xúc là căn bệnh phổ biến thứ hai trong các rối loạn tâm thần, khoảng 5% dân số thế giới mắc phải chứng bệnh này với biểu hiện là người bệnh luôn trong trạng thái vui buồn thất thường, suy nghĩ tiêu cực. Gọi thoại – Gọi video khám ngay với bác sĩ trực tuyến chuyên khoa Tâm lýhoặc Tâm thần học trên hệ thống Khám Từ Xa của Wellcare để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị rối loạn cảm xúc.