Xương rồng: Không chỉ là loài cây cảnh độc đáo – YouMed

Xương rồng là loài thực vật quen thuộc đối với chúng ta. Không chỉ là loài cây làm cảnh độc đáo trong vườn nhà, mà với sự đa dạng trong thành phần và tác dụng dược lý xương rồng còn có công dụng tốt đối với sức khỏe chúng ta. Sau đây, hãy cùng Youmed hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của loại cây gần gũi này.

Xương rồng là gì?

  • Tên thường gọi: Hóa ương lặc, xương rồng ba cạnh…
  • Tên khoa học: Euphorbia antiquorum L.
  • Họ khoa học: Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).

Thân, lá, nhựa, nhị hoa có danh pháp khoa học là Caulis, Folium, Latex et Stamen Euphorbiae Antiquori.

Người ta phân xương rồng thành 2 loại đó là:

  • Đó là xương rồng ông và xương rồng bà có gai.
  • Cả 2 loại này vừa có thể được trồng ở khắp nơi tại Việt Nam, vừa có thể mọc hoang dại.

Đặc điểm sinh trưởng, thu hái và bảo quản

Đặc điểm sinh trưởng

Theo một số tài liệu, xương rồng có nguồn gốc từ vùng cao nguyên của Ấn Độ. Ngày nay, cây xuất hiện ở hầu khắp nơi, kể cả các vùng đất nóng bức như sa mạc, nhiệt đới nóng ẩm ở châu Mỹ, châu Phi, châu Á… Nhờ có phần thân mọng nước mà chúng có thể phát triển và sinh trưởng được ở cả những vùng đất đai khô cằn, nhiệt độ cao.

Tại Việt Nam, thực vật này được trồng rộng rải. Cây thường được gieo trồng bằng cành. Ra hoa vào mùa xuân, thường từ tháng 3-4 hằng năm.

Thu hái

Thuộc loài thu hoạch quanh năm, các bộ phận như nhựa, cành cây…thường được dùng tươi.

Quả xương rồng có thể ăn được.

Bảo quản

Thực phẩm sau khi thu hái, rửa sạch, loại bỏ chất bẩn, để trong bọc kín, giữ nơi thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp. Tốt nhất nên để trong ngăn mát tủ lạnh sẽ bảo quản được lâu hơn.

Xem thêm  Cách Khắc Phục Cây Mai Bị Khô Cành

Mô tả toàn cây xương rồng

Thân nhỏ, toàn thân mọng nước, phân thành nhiều cành nhánh, mỗi cành có 3 cạnh lồi. Chiều cao của cây khoảng từ 1 đến 3 m hơn, thậm chí lên đến 8m.

Lá nhỏ, mọc ở trên cạnh lồi của cành, thưa thớt, hình trái xoan ngược thuôn, chóp tròn. Cuống lá khá ngắn, hai lá kèm biến thành gai.

Cụm hoa mọc ở mép cành, màu đỏ, họp thành ngủ. Có khoảng 1 đến 7 bao chung, mỗi bao nằm trên 2 lá bắc phân thùy rộng. Trong bao chung có nhiều nhị và nhụy tương ứng lần lượt với hoa đực thoái hóa và hoa cái.

Quả xương rồng màu xanh, nhỏ có 3 mảnh, có vòi nhụy tồn tại.

Thành phần hóa học của xương rồng

Theo nhiều tài liệu, xương rồng có thành phần hóa học khá đa dạng và phong phú:

Khoảng 250 ml nước ép xương rồng chứa:

  • Lượng calo thấp khoảng 16-19 kcal, ít đường.
  • Chất đạm 1.32g, carbohydrat 4g,…
  • Nhiều vitamin như niacin 0.4 mg, pyridoxine 0.07mg, folates 3 µg, thiamin 0.012 mg, vitamin C 0.3 mg, vitamin A 457 IU (Carotene-b 250 µg, Carotene-α 48 µg), vitamin K 5.3 µg…
  • Đa dạng khoáng chất như Canxi 164 mg, iron 0.59 mg, magie 52 mg, photpho 16 mg, kẽm 0.21 mg.
  • Các triterpeniod như taraxerol, taraxerone, friedelan-3a-ol, friedelan-3b-ol, epifriedelanol. Ngoài ra, còn có các acid citric, tartric và fumaric.

Nhựa cây có euphorbol, euphol, b-amyrin, cycloartenol… Rễ cây cũng chứa taraxerol.

Tác dụng của xương rồng

Hỗ trợ rối loạn lipid máu, ngừa táo bón

Xương rồng là loại thực vật giàu chất xơ, kali, ion có tác dụng ổn định nhịp tim. Bên cạnh đó, việc chứa nhiều flavonoid, kích thích chuyển hóa cholesterol xấu ở gan, cũng góp phần làm giảm các nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, thiếu máu tim…

Xem thêm  Cây Cau: Tác Dụng, Cách Trồng Và Ý Nghĩa Phong Thủy

Không chỉ vậy, những chất xơ không hòa tan, làm chúng ta có cảm giác nhanh no, no lâu hơn. Cũng nhờ vậy mà giảm cảm giác thèm ăn, thúc đẩy nhu động ruột, kích thích tiêu hóa, đề phòng táo bón…

Kháng viêm, giảm đau

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nước ép từ thực vật này có thể ức chế sự hình thành bạch cầu, giảm đau, chống viêm. Từ đó làm dịu tình trạng đau nhức, cứng khớp do viêm nhiễm ở khớp, niệu đạo…

Giàu chất chống oxy hóa, tăng sức đề kháng

Bởi sự đa dạng các vitamin và khoáng chất, xương rồng có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ. Hệ thống miễn dịch từ đó sẽ được tăng cường bảo vệ cơ thể, chậm quá trình lão hóa, làn da căng bóng…

Kiểm soát đường huyết

Một số nghiên cứu ở Mexico đã cho thấy loài thực vật này có thể làm giảm lượng đường trong máu. Như vậy, loại thực vật này khá thân thiện với những người cần ăn kiêng, bệnh nhân đái tháo đường…

Tác dụng Y học cổ truyền

Tính vị: Vị đắng, tính hàn, có độc.

Tác dụng:

  • Thân cây có tác dụng giảm sưng, phù, lợi tiểu, thông tiện, sát trùng, chữa mụn nhọt, đau răng…
  • Lá giúp thanh nhiệt, giải độc, giảm đau, giảm ứ trệ…
  • Nhựa cây hỗ trợ giảm ngứa, lợi tiểu, giảm phù, long đờm…
  • Nhị hoa có được giảm nóng bức, giảm phù thủng…
  • Rễ có tác dụng thanh nhiệt giải độc, chống co thắt…

Cách sử dụng xương rồng

Tùy mục đích sử dụng có thể dùng dược liệu với nhiều cách và liều lượng khác nhau. Ngoài việc đây là loài thực vật làm cảnh độc đáo, có thể trồng ngoài vườn, hàng rào hoặc trưng trong nhà. Xương rồng còn có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, chế biến thành món ăn, dùng ngoài làm thuốc thoa…

Xem thêm  Hoa tử đằng: Ý nghĩa, công dụng, cách trồng và chăm sóc

Liều dùng: Thân: 3-6 g dưới dạng thuốc sắc.

Một số bài thuốc từ xương rồng

Giảm đau nhức răng

Loại bỏ hết gai, đem 50g thân, cành xương rồng đi nướng nóng khoảng 1g, giã nát rồi chắt nước, bỏ xơ, thêm ít muối. Lọc lấy nước ngậm ngày 2-3 lần, mỗi lần 5-10 phút, sau đó phải nhổ ra, súc miệng lại thật sạch.

Chữa sưng đau, viêm nhọt

Cành xương rồng 30g, sao cháy đen, đổ nước và rượu vào, tỉ lệ 1:1, rồi sắc uống.

Hoặc cành bỏ gai, nướng trên lửa đến khi chín vàng, đắp lên vùng bị đau.

Một số lưu ý khi dùng

  • Không nên để nhựa cây xương rồng dính vào mắt, bởi chất độc có thể gây mù lòa. Ngoài ra, cẩn thận khi mủ dính vào da quá nhiều dễ gây bỏng.
  • Một số nơi có thể chế biến xương rồng thành món ăn, tuy nghiên cần cẩn thận. Bởi nếu không xử lý tốt thực phẩm sẽ dễ bị ngộ độc, như rối loạn tiêu hóa nôn ói, buồn nôn, tiêu chảy…
  • Xương rồng có chất độc, dùng phải cẩn thận, không có kinh nghiệm tuyệt đối không dùng.

Xương rồng là loài cây quen thuộc và gần gũi trong cuộc sống của chúng ta. Với sự đa dạng và phong phú về tác dụng mà dược liệu này được dùng nhiều để điều trị bệnh. Tuy nhiên, để có thể tận dụng hết giá trị của thực phẩm đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến người có chuyên môn, y bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.