Lý thuyết Thụ đắc ngôn ngữ – Second Language Acquisition – Simple English

Để dạy ngoại ngữ hiệu quả, ta cần phải hiểu về cách thức mà não bộ con người hấp thụ ngôn ngữ. Ứng dụng những nguyên tắc đúng sẽ giúp người học tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức trong việc học ngoại ngữ, thay vì đi lòng vòng một cách lãng phí. Lý thuyết Thụ đắc ngôn ngữ (Language Acquisition) của giáo sư Stephen Krashen là những nguyên tắc về học ngôn ngữ rất nổi tiếng trong giới học thuật. Chính dựa trên những nguyên tắc này mà Simple English thiết kế nên các phương pháp giảng dạy của mình. Simple English đã áp dụng chúng qua hàng chục lớp học và nhận được những kết quả rất tích cực từ học viên.

Vậy, giáo sự Stephen Krashen nói gì về việc học một ngoại ngữ?

1. Thuyết Thụ đắc trực tiếp – Học gián tiếp (the Acquisition-Learning hypothesis)

Lý thuyết này phân biệt hai loại hoạt động học ngoại ngữ khác nhau:

Hấp thụ trực tiếp (acquisition). Đây là hoạt động diễn ra khi ta tiếp xúc trực tiếp với ngoại ngữ nhằm mục đích giao tiếp, tương tự như quá trình trẻ em học tiếng mẹ đẻ. Trong quá trình này, thông qua sự giao tiếp bằng ngôn ngữ chúng ta muốn học (như xem phim, đọc sách, nghe người bản xứ nói), chúng ta lưu dữ kiện ngôn ngữ vào não bộ một cách tiềm thức.

Học gián tiếp (learning). Đây là hoạt động diễn ra khi ta học các kiến thức về một ngôn ngữ, ví dụ như khi ta học thuộc danh sách từ vựng, cách chia động từ, công thức của các thì, cấu trúc ngữ pháp, chú ý khi sử dụng, vân vân. Học gián tiếp là đa phần những gì diễn ra trong trường lớp truyền thống.

Ứng dụng trong giảng dạy:

Theo lý thuyết này, cách tốt nhất để học một ngôn ngữ là bằng giao tiếp tự nhiên. Để giỏi tiếng Anh, học viên cần tiếp xúc với tiếng Anh thực tế, do người bản xứ nói và viết, về những điều mà học viên quan tâm.

Xem thêm  Cách Làm Musically Hay - Hướng Dẫn Được Nhiều Tim, Cách Sử Dụng Musical

2. Thuyết Kiểm soát (The Monitor hypothesis)

Như đã nói, có hai loại hoạt động học ngoại ngữ khác nhau. Và chức năng chính của chúng cũng khác biệt. Hấp thụ trực tiếp tạo nên sự lưu loát (fluency). Học gián tiếp tạo nên sự chính xác (accuracy). Học bằng tiềm thức giúp ta nói chuyện một cách trôi chảy. Suy nghĩ bằng ý thức đóng vai trò kiểm soát và chữa lỗi. Vì trong trường học, thời gian tiếp xúc với Tiếng Anh thực tế là rất hạn chế, học sinh chỉ ngồi làm bài tập ngữ pháp; vậy nên các em biết công thức để nói, nhưng lại không thể nói một cách dễ dàng và tự nhiên.

Ứng dụng trong giảng dạy:

Hấp thụ trực tiếp là nhân tố duy nhất giúp ta nói một ngôn ngữ được lưu loát. Giống như trong bóng đá, để đá hay, bạn phải thực hành trên sân cỏ; chỉ học luật bóng đá và quy tắc đá bóng mà không ứng dụng trực tiếp, bạn sẽ không bao giờ giỏi được. Cũng như thế, chúng ta phát triển năng lực ngoại ngữ bằng cách tiếp xúc trực tiếp với ngoại ngữ chứ không chỉ bằng cách học kiến thức về ngoại ngữ đó. Tuy nhiên, cả sự lưu loát và tính chính xác đều quan trọng nên chúng ta cũng cần cân bằng, không quá cực đoan. Vẫn nên dạy một số kiến thức căn bản về văn phạm. Nhưng chúng ta chỉ làm điều đó ở một mức độ vừa phải. Lý tưởng, thời lượng tiếp xúc trực tiếp với ngôn ngữ nên chiếm trên 80% thời gian học.

3. Thuyết Trình tự Tự nhiên (the Natural Order hypothesis)

Người học hấp thụ ngôn ngữ theo một trình tự tự nhiên. Một số cấu trúc ngữ pháp sẽ được hấp thụ sớm hơn, một số cấu trúc ngữ pháp khác thì được hấp thụ trễ hơn. Trình tự tự nhiên này xảy ra theo quá trình riêng của não bộ, độc lập với sự giảng dạy của giáo viên. Giáo viên không thể bắt học viên hiểu những khái niệm phức tạp khi các em chưa nắm vững kiến thức nền tảng. Vậy nên, giáo viên cần phải lấy học viên làm trọng tâm, và dạy những thứ phù hợp với cấp độ của các bạn.

Xem thêm  Top 5 website thương mại điện tử tại Việt Nam 2020 - 88 Lab

Ứng dụng trong giảng dạy:

Giáo viên nên ý thức rằng một số cấu trúc ngôn ngữ dễ nắm bắt hơn những cấu trúc khác. Vì vậy, các cấu trúc ngôn ngữ nên được dạy theo trình tự có lợi cho việc học của học viên nhất. Nên bắt đầu bằng cách giới thiệu những khái niệm dễ hiểu, sau đó dùng chúng làm nền móng để dạy những khái niệm khó hơn, trừu tượng hơn.

4. Thuyết Đầu vào (the Input hypothesis)

Chúng ta có input là đầu vào, nguyên liệu đi vào; output là đầu ra, sản phẩm đi ra. Để có output, chúng ta buộc phải có input. Đối với học ngoại ngữ, output là nói và viết, input là nghe và đọc. Để nói và viết tốt, bạn phải nghe và đọc thật nhiều. Để nói và viết chuẩn, mượt, chính xác; bạn phải nghe và đọc nhiều tài liệu từ chính người bản xứ.

Còn về đặc điểm của input, theo Stephen Krashen, hấp thụ ngôn ngữ chỉ xảy ra khi người học tiếp xúc với những thông điệp mà họ hiểu được (comprehensible input). Gọi khả năng hiện tại của người học là i, input mà người đó nên tiếp xúc là i + 1 (chỉ cao hơn một chút). Thông qua quá trình tiếp xúc với i + 1, người này sẽ dần dần lĩnh hội các thông tin mới trong sự liên quan mạch lạc với những gì họ đã hiểu. Điều này giúp cho người học phát triển ngôn ngữ một cách tự nhiên, liên tục.

Xem thêm  Cấu Hình Máy Chủ Và Những Điều Cần Biết Về Server

Ứng dụng trong giảng dạy:

Bởi vì tốc độ phát triển ngôn ngữ của một người phụ thuộc vào lượng input mà họ nạp vào não, môi trường học tập lý tưởng là môi trường tạo cho họ nhiều thời gian tiếp xúc với ngoại ngữ nhất có thể. Và tài liệu học cần phù hợp với cấp độ của họ, sao cho họ hiểu được gần hết (ít nhất trên 80%) thì quá trình input mới diễn ra hiệu quả.

5. Thuyết Bộ lọc Cảm xúc (the Affective Filter hypothesis)

Thuyết Bộ lọc Cảm xúc của giáo sư Stephen Krashen nói rằng, trước khi những input âm thanh và hình ảnh đi đến trung tâm xử lý ngôn ngữ của não, nó sẽ đi qua một bộ lọc cảm xúc. Bộ lọc này sẽ dày lên bởi những cảm xúc tiêu cực. Học viên càng lo lắng, căng thẳng, nó sẽ càng chặn input và làm chậm quá trình học của họ. Ngược lại, nếu họ thoải mái, vui, vẻ, tự tin, có động lực mạnh mẽ, bộ lọc cảm xúc sẽ thu hẹp và để cho input đi vào thật nhiều. Khi đó, học viên sẽ học rất hiệu quả.

Ứng dụng trong giảng dạy:

Trong bất cứ khía cạnh nào của giáo dục, việc tạo ra một môi trường an toàn cho học viên là rất quan trọng. Học viên cần cảm thấy thoải mái khi phạm lỗi để có thể tự tin thể hiện bản thân, từ đó dễ dàng cải thiện mình hơn. Trong việc học ngoại ngữ, cảm xúc đóng một vai trò rất quan trọng. Một giáo viên giỏi là một người vừa có kỹ năng chuyên môn, vừa có khả năng truyền cảm hứng, vừa thương yêu quan tâm học viên của mình.

* Tài liệu đọc thêm:

Second Language Acquisition and Second Language Learning – Stephen Krashen